Góc văn nghệ

VIỆC NƯỚC

“Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”
(Tục ngữ)

Nước ta có lắm nhân tài, có cả BCHTW và có cả Quốc Hội là tinh hoa của dân tộc, nhưng nghe ở các hội nghị rất ít ý kiến tranh luận, phản biện. Tuyệt đại đa số là ý kiến xuôi chiều. Vì thế các Nghị quyết, chính sách, pháp luật khi thực thi thường hay vấp váp. Phải chăng các vấn đề đưa ra không được mổ xẻ kỹ lưỡng, soi chiếu thấu đáo mọi góc cạnh (?).
Nhân đọc “Cổ học tinh hoa”  thấy có câu chuyện hay xin được chia sẻ cùng các bạn:
“VUA TÔI BÀN VIỆC
Vũ Hầu nước Ngụy cùng với quần thần bàn việc, việc gì vua bàn cũng phải, quần thần không ai giỏi bằng.
Lúc lui chầu, Ngụy Hầu ra dáng hớn hở lắm. Ngô Khởi(1) bèn tiến lên nói:
- Cận thần đã ai đem câu chuyện Sở Trang Vương nói cho nhà vua nghe chưa?
Vũ Hầu hỏi:
- Câu chuyện Sở Trang Vương thế nào?
Ngô Khởi thưa:
- Khi Sở Trang Vương mà bàn việc phải hơn quần thần, thì lúc lui chầu lo lắm. Có người hỏi: “Sao vua lại lo?” - Sở Trang Vương nói: ''Ta bàn việc mà quần thần không bằng được ta, cho nên ta lo. Cổ nhân có câu: ''Các vua chư hầu ai có thầy giỏi, thì làm được vương; ai có bạn giỏi thì làm được bá; ai có người quyết đoán cho mọi việc ngờ vực, thì còn nước; ai bàn việc không còn ai bằng mình, thì mất nước''. Ta nghĩ ngu như ta mà quần thần cũng không ai bằng thì nước ta có nhẽ mất mất. Bởi thế ta lo...''
Ấy cũng một việc giống nhau. Sở Trang Vương thì lo mà Vũ Hầu thì mừng. Vũ Hầu nghe nói áy náy vái tạ và nói rằng:
- Giời sai nhà thầy đến bảo cái lỗi cho ta!
Tuân Tử
Lời bàn:
Người làm chúa tể một nước tất là người tài giỏi hơn người, sáng công việc hơn người. Tuy vậy, khi đã dùng quần thần, là muốn mong cậy quần thần, còn nhiều khi giúp được mình như người ngoài giúp nước cờ vậy. Nếu mà quần thần không có ai hơn mình cả, thì là bọn a dua ăn hại còn mong cậy gì được mà chẳng đáng lo. Nên lời Ngô Khởi nói vậy rất là phải. Đã hay rằng người ta ở đời phải cầu ở mình hơn nhờ ở người, nhưng lắm lúc cũng phải có tả phù hữu bật mới lo toan được công việc lớn. Những bậc vua chúa cần phải có thầy giỏi, tôi hay là vì cái lẽ ấy.
Chuyện này cũng giống câu trong “Quốc Sách'' có nói: “Đế giả cùng ở với thầy, Vương giả cùng ở với bạn, Bá giả cùng ở với bầy tôi, Vua vong quốc chỉ cùng ở với hạng đầy tớ”.

THÀNH NAM, 03-9-2018



                
TỬ HUYỆT QUỐC GIA




(GỬI THẦY GIÁO VŨ TRỌNG LƯƠNG

VÀ SỞ GD ĐT HÀ GIANG)





Kết quả hình ảnh cho Hình ảnh Vũ Trọng Lương
CƠ QUAN CÔNG AN NHẬN ĐỊNH VỤ VIỆC 

VÀ VAI TRÒ CỦA VŨ TRỌNG LƯƠNG



Từ vụ "Khảo thí"  gian manh
Trơ ra một phía "công bằng"

Thương lều chõng một thời

Giận "Khuôn vàng thước ngọc"
Đổ lộn trắng đen
Rác rơm lên mặt "anh tài"

Một mai
Sông núi
Vắt bùn sình làm rường cột?
Thăm thẳm
Nỗi niềm
Không chỉ một ... Hà Giang. (!)
    

HÀ NỘI, 20-7-2018


Lại một lần nữa hồi chuông báo động từ phía ngành giáo dục lại gióng lên ở tầm quốc gia. Vụ gian lận kết quả thi tốt nghiệp quốc gia tưởng như chỉ riêng ở Hà Giang, song không phải, nó ở rất nhiều nơi và nhiều người hoài nghi rằng nó tồn tại suốt nhiều năm nay như một căn bệnh trầm kha, chỉ khi vỡ bệnh mới lại đi dò, đi khám, chẩn đoán, thanhtra chữa trị, này nọ...
Hàng loạt hiện tượng liên tục xảy ra trong ngành giáo dục ở các cấp độ với vô kể tình huống khác nhau: Từ cô giáo Hiệu trưởng trường TH Nam Trung Yên giữa Thủ đô đâm xe ô tô gây thương tích cho học sinh tại sân trường bày trò gian dối để trốn tránh trách nhiệm, cuối cùng bị phanh phui, nhận kỷ luật cách chức đến thầy giáo tát học sinh thủng màng nhĩ, cô giáo phạt học sinh ăn ớt, bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng v.v...
Với môi trường giáo dục như thế, những cô giáo khi dạy trên lớp thì cầm chừng, lăm lăm dành “bài tủ” dạy thêm để học sinh phải trả thêm tiền cho mình thì chúng ta biết kết quả sẽ là gì rồi.
Trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt (vì hệ thống giáo dục của ta mở quá rộng, tỷ lệ học sinh sinh viên quá cao với một mước nghèo là gánh nặng quá sức cho quốc gia, XH và gia đình): Hơn kém nửa điểm, ¼ điểm đã là 2 khoảng trời cách biệt (!). Vì thế thi tốt nghiệp THPT hay bất cứ cuộc thi nào  cũng thường có sự chạy chọt, mua bán, thủ thuật ma giáo, gian lận đủ các kiểu!
Không phải bỗng dưng “thầy giáo Vũ Trọng Lương” (Hà Giang) làm việc gian lận này và có đủ sức làm được một việc như vậy (?) Bởi làm sao hàng trăm học sinh, phụ huynh học sinh biết được “thầy Lương” làm vi tính trong Ban Thư ký Hội đồng thi của Tỉnh? Làm sao có chuyện thầy giáo Trưởng phòng Nguyễn Thanh Hoài, Phó Chủ tịch HĐ thi – Trưởng Ban Thư ký HĐ thi lại cả tin sai nguyên tắc, đưa chìa khóa phòng máy tính, hồ sơ, tài liệu, bài thi cho ‘thầy Lương’ để làm cái việc ấy? Thế thì việc ngân sách chi tiền, bố trí cán bộ, công an vòng trong, vòng ngoài bảo vệ để bảo đảm cho kỳ thi khách quan công bằng, chính xác là thừa hay sao?
Có thể không chủ quan mà nói rằng: Mọi việc đều thành giá mất rồi, các thứ tưởng vô tình, giả bộ làm ngơ kia đều nằm trong mấy chữ “LỢI ÍCH NHÓM” – Thực chất là nhóm cướp, ăn cướp công bằng xã hội!
***
Quay lại cái chung: Do đâu mà ngành giáo dục lại rơi vào những bê bối  thảm hại như vậy? 
Trước hết chúng ta phải thấy rằng đã chấp nhận kinh tế thị trường là buộc phải cùng sống chung với mặt trái của nó. Ta tận hưởng “động lực phát triển, tính khách quan, hiệu quả của thị trường” thì ta cũng phải buộc mình với những tiêu cực từ cạnh tranh không lành mạnh, tính vụ lợi và cơ hội của nó. Tuy nhiên, dường như chúng ta lúng túng và bế tắc khi số trường học mở ra quá nhiều, khi lối tư duy cũ của XH chỉ có một lối nghĩ là cứ nhất thiết phải vào đại học, mà quên đi học ĐH để làm gì? Dẫn đến hàng ngàn, hàng vạn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Hậu quả là nhà trường không còn thiêng liêng nữa, vì nhà trường không đem lại tương lai, hạnh phúc cho người học mà chỉ là chỗ gửi chân tạm thời để chờ cơ hội mà thôi.
***
Vấn đề đáng nói là: chúng ta thực hiện một nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng XHCN nhưng cái thị trường có tổ chức và định hướng chúng ta chờ đợi mãi chẳng thấy nó trật tự hơn mà cứ lộn xộn và hình như ngày càng lộn xộn(?). Ngành giáo dục thì hiện tượng rối ren càng rõ hơn (!)
Vũ Trọng Lương chính là thành phẩm của nền giáo dục XHCN mà chúng ta hằng ca ngợi tính ưu việt của nó. Bởi Vũ Trọng Lương sinh năm 1978, đã từng học qua các cấp học mà trưởng thành lên, Lương không phải chịu ảnh hưởng của chiến tranh, trọn vẹn sống trong môi trường giáo dục XHCN, có tài năng và là nhân cốt tin cậy. Ấy vậy mà kết cục lại là như thế thì nguyên do sâu xa ở đâu?
Chung quy, tất cả thành bại của XH hay quốc gia đều từ con người mà môi trường đào tạo con người lại mất tính chuẩn mực như thế thì làm sao chúng ta ngóc đầu lên được?
Nhìn lại, chúng ta hòa bình thống nhất từ 1975 đến nay đã 43 năm, bằng thời gian ấy một nước Nhật Bản xơ xác với hậu quả sau CTTG 2 và 2 quả bom nguyên tử, họ đã đủ thì giờ gượng dậy và trở thành cường quốc kinh tế thứ hai trên thế giới. Điều gì làm nên kỳ tích này? Người Nhật họ đã tổng kết vẻn vẹn: “Sự kỳ diệu của đất nước Nhật là thành công từ giáo dục tiểu học!” . Nhiều người bảo: Vì từ đó, nước Nhật không có chiến tranh nữa! Xin thưa: động đất, sóng thần, thiên tai, thảm họa... đe dọa và tàn phá họ cũng thật kinh khủng, chỉ có tai nạn giao thông chết người mất của là ở Nhật rất ít hơn VN mà thôi (!).
Họ nhìn xa, thấy trước và dạy con người theo một triết lý khác hẳn, đó là: tự lực, tự tôn, tự giác và nhất quán (Họ tin dùng người có ý thức tổ chức và kiên quyết không dùng người thiếu phẩm chất, không đáng tin cậy cho dù người đó có tài giỏi đến mấy!). Chỉ cần nhìn cầu thủ Nhật Bản thi đấu World Cup mỉm cười nhận lỗi khi trọng tài thổi phạt, chỉ cần nhìn khán giả, cổ động viên Nhật dọn sạch rác tại các khán đài, các VĐV dọn sạch phòng thay đồ sau mỗi trận đấu, ta thấy họ có một nền giáo dục và một ý thức XH như thế nào.
Trong một chuyến đi công tác tại Nhật, thấy đường phố sạch như trong nhà, trật tự vệ sinh ngăn nắp, chứng kiến nếp sống văn minh đẹp đẽ của thành phố Nhật, một ông lãnh đạo cấp cao nhất đoàn (và là loại TN nặng) hỏi lãnh đạo phía nước bạn một câu ngây ngô rằng: “Các ông mất bao nhiêu năm để lập được trật tự xã hội như thế này?”. Họ trả lời: “Trật tự của chúng tôi từ xưa đến nay vẫn như thế này!” Qua đó ta mới thấy: Thành quả giáo dục quan trọng như thế nào và giáo dục Nhật Bản đã thành công như thế nào!
Và cũng như Trời có mắt, nỗ lực và phẩm giá của họ cũng được đáp đền, có giá trị hẳn hoi, không phải đơn thuần là cảm tính hay cảm nhận nữa. Chính phong cách tốt, thẻ phạt ít mà tuy ngang nhau hoàn toàn về điểm số và chỉ số phụ mà Đội tuyển bóng đá Nhật tại World Cup 2018 vừa qua đã vượt qua Xê nê gan để vào thi đấu vòng trong (Chắc hẳn Xenegan thấy phong cách đội Nhật quá đáng khâm phục nên chấp nhận tuyệt đối!)
***
Lại nói một chút về lịch sử. Là con cháu mà khen tổ tiên thì quá bình thường, nhưng phải công bằng mà nói: Các bậc tiền nhân chúng ta đã coi Nhật Bản như một hình mẫu của Châu Á, kính nể gọi họ là “anh cả da vàng” kể cũng xứng đáng! Các cụ Phan Bội Châu, Lương Văn Can... đã tổ chức phong trào Đông du, Đông kinh nghĩa thục để học tập tư duy văn minh ấy từ đầu thế kỷ trước, quả là đáng kính phục!
Dường như nói về những điều trên làm chúng ta trở nên hoang mang, buồn bã, thiếu tự tin. Tất nhiên, buồn là tâm trạng chung có trong nhiều người cũng là đúng. Bởi chúng ta không chỉ buồn về ngành giáo dục mà còn buồn cho bao vấn đề lớn của quốc gia nữa. Mọi thứ sai trái, bất cập như căn bệnh thấm vào cả lục phủ ngũ tạng rồi, vẫn phải vừa vận động, vừa chữa trị. Ví như quốc nạn tham nhũng, trung ương đang chỉ đạo, vẫn phải tiếp tục xử lý. Song, theo tôi, đó chỉ là phần ngọn. Gốc của mọi điều tệ hại là từ con người. Gốc của con người là giáo dục. Nhất là giáo dục mầm non, tiểu học, tiếp sau là các cấp giáo dục phổ thông nói chung.
Ta thử xem nhà trường không chuẩn đào tạo ra những con người tham lam, giả dối, kém đạo đức sẽ không trung thành với công vụ thì gây ra những gì?
 Giao làm kiểm lâm thì ăn tiền, tiếp tay cho lâm tặc phá rừng. Làm Thủ kho thì thông đồng với trộm để lấy mất tài sản. Làm cảnh sát giao thông thì bảo kê, thu tiền mãi lộ. Xử phạt thì thay vì thu cho ngân sách lại tìm cách lấy tiền hưởng riêng. Làm nhiệm vụ chống ma túy lại là kẻ trùm buôn ma túy. Làm nhiệm vụ chống tội phạm công nghệ cao thì bảo kê đánh bạc qua mạng. Làm công tác tổ chức chọn hiền tài cho dân nước thì bán ghế, bán danh, bán tước. Làm khảo thí quản lý chất lượng giáo dục thì gian lận kết quả thi. Làm thuế vụ thì chia chác thuế với người kinh doanh gây thất thu ngân sách nhà nước... Những phẩm chất ấy, những con người ấy đẻ ra ngàn vạn tham nhũng làm hiểm họa đục khoét và sập đổ mọi thành trì quốc gia!
***
Nhìn lại gốc rễ con người: những người vi phạm, bị kỷ luật, bị pháp luật xử lý về tội lạm dụng chức quyền, tham nhũng hiện nay đều vốn là những học sinh, sinh viên từ nền giáo dục VN và họ là những nhân  tài, đã vượt qua hàng ngàn, hàng vạn, hàng triệu người để lên đến Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố, Cục trưởng, Tổng cục trưởng, Bộ trưởng, Ủy viên TWĐ, Ủy viên BCT... nghĩa là họ là sản phẩm tinh hoa của nền giáo dục của chúng ta mà lại vi phạm những thứ vô cùng nghiêm trọng cả từ tư cách, phẩm chất, nguyên tắc, quy trình hành sự, lãnh đạo quản lý, gây ra biết bao tổn thất về tổ chức, con người, kinh tế, chính trị, công bằng xã hội... Như vậy có sự lệch lạc nghiêm trọng về dạy chữ và dạy làm người, tiêu chí “khuôn vàng thước ngọc” của nền giáo dục đã bị sai lệch, mất chuẩn mực do chủ quan hoặc do trào lưu thương mại hóa của cơ chế thị trường chi phối. Sẽ không quá đáng, nếu nói rằng: Đó là nền giáo dục hỏng (!)  
***
Vì thế chống gì thì chống, sai phạm thì phải chống nhưng phải mau mau chọn đường xây dựng con người từ tuổi mầm non cho tương lai bằng công cuộc cách mạng trong tư duy, tổ chức, hoạt động của ngành giáo dục, đồng thời khẩn cấp sàng lọc đội ngũ cán bộ lãnh đạo. Nếu lãnh đạo để mất lòng tin thì sự nghiệp này đổ vỡ là không tránh khỏi!
Với vụ việc gian lận kết quả thi cử cỡ lớn xảy ra từ chính các nhà giáo, từ ngành giáo dục, từ cơ quan quản lý chất lượng giáo dục cần nhìn rộng ra rồi lại nhìn sâu vào bản chất sự việc để nhận thức kịp thời vấn đề này:
-         ĐÂY CHÍNH LÀ TỬ HUYỆT QUỐC GIA!
-         CẦN GẤP RÚT CHUẨN HÓA LẠI TOÀN BỘ HỆ THỐNG GIÁO DỤC. ĐẤY LÀ SỰ TỒN VONG CỦA QUỐC GIA!



                                      THÀNH NAM, 21-7-2018



MỘT NHẬT BẢN LONG LANH

(Tặng các cầu thủ và cổ động viên
Nhật Bản tại World cup 2018)

Dù thua thắng, tinh thần không chiến bại
World cup như hoa hậu khoe mình
Khán đài là một màu văn hóa
Sân cỏ phô ý chí chiến binh
Trước đối thủ: Tiến công và Quyết chiến!
Lực và Tài cống hiến hết mình
Dù lui cuộc vẫn long lanh nét ngọc
Phẩm chất còn lay động hành tinh!

MÙA WORLD CUP 2018
_______________
Một trận đấu tưởng như quá chênh lệch giữa đội tuyển Bỉ và đội tuyển Nhật Bản tại World cup Russian 2018 đêm qua đã nói lên biết bao điều về tinh thần chiến đấu, về quyết tâm của các chiến sĩ “Samurai xanh”. Cho dù kết quả cuối cùng Nhật Bản phải lùi bước với tỉ số 2-3 nhưng tinh thần của họ thật đáng khâm phục!
Một nét đẹp như các bạn chứng kiến: Cổ động viên Nhật Bản đã ở lại nhặt sạch rác tại các khán đài sau mỗi trận đấu. Cầu thủ Nhật mỉm cười nhận lỗi mỗi khi Trọng tài thổi phạt... Và Nhật Bản là đội bóng đầu tiên được xếp hạng trên vì thành tích “Faire Play”.
Chưa hết! Sau trận đấu nock out hôm qua, Ban tổ chức vào phòng thay đồ của đội tuyển Nhật Bản mới nhận ra thêm một nét đơn sơ mà cảm động: Họ trao lại phòng thay đồ dọn sạch làu và dòng chữ bằng tiếng Nga “Xin cám ơn!” trước khi từ giã World cup.
Có thể các bạn cũng có suy nghĩ giống tôi: Nước Nga lấy World cup để thay lời nói về tính thiện nghệ trong tổ chức, sự hào phóng và mến khách, sự tinh tế trong văn hóa, sự tài tình trong duy trì trật tự an ninh... Còn người Nhật đến với World cup bằng tính tổ chức, văn hóa và ý thức cộng đồng bảo vệ môi trường, tinh thần quả cảm và cống hiến của cầu thủ, tình cảm sâu sắc và lòng tự trọng.
Dường như họ coi World cup như cuộc thi hoa hậu giữa các Quốc Gia vậy! 



CẢM THƠ

CẢM NHẬN ĐỌC BÀI THƠ "CƠM QUÊ" 
CỦA NHẠC SĨ - NHÀ THƠ ĐỖ KIM YẾN

     Cảm ơn nghệ sĩ phiêu diêu
Vần thơ làm sáo nâng diều đồng quê


     Hương cơm niêu vẫn còn

Vị cá kho gợi nhớ về tuổi thơ

     Trưa hè tiếng sáo mộng mơ

Canh cua, cà muối... “Ầu ơ...” dịu dàng

     Khát khao hương xóm vị làng

Thủ đô hoa lệ nồng nàn ... cơm quê ...

Đây là cảm nhận của tôi sau khi đọc bài thơ mà Nhạc sĩ,

nhà thơ Đỗ Kim Yến viết tặng Nhà hàng Hồng Hường tại 

số 23, Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội. Chị đã ứng khẩu tặng 

bài thơ này ngay tại bữa ăn. Chủ quán nghe bài thơ đã 

mời đoàn của chị trọn bữa cơm mà không thu tiền. Họ  

xin bài thơ để in và treo tại nhà hàng thay cho thông điệp 

của nhà hàng gửitới khách hàng. 

Nhờ đó mà số thực khách đã truyền nhau tìm tới đông 

hơn hẳn so với trước đây. 

Dù răng chị cũng ít dịp trở lại nhà hàng nhưng mỗi khi chị 

có dịp ghé thăm lại được chủ nhà hàng mời thưởng thức 

sản phẩm của nhà hàng và họ đều "miễn phí". Dưới đây 

là bài thơ của chị:  


                   CƠM NIÊU

          ĐỖ KIM YẾN

         (TẶNG NHÀ HÀNG HỒNG HƯỜNG 

         23 HUỲNH THÚC KHÁNG HÀ NỘI)


Quê hương chớ nói rằng yêu
Nếu không biết vị cơm niêu là gì!

Tây Tàu ai đã từng đi
Ăn cơm thiên hạ sao bì cơm quê
Phải đâu người Tỉnh mới mê
Thập phương khách rủ nhau về chia vui
Mới hay cái vị ngọt bùi
Của niêu cơm tám, của nồi cá kho
Chẳng là nghệ sĩ, nhà thơ
Bia hơi rượu gạo... lơ mơ cùng người

Hỡi ai đi ngược về xuôi
Có yêu có quý
xin mời cơm niêu!

11-6-2018 



MỘT NGHĨA CỬ CẢM ĐỘNG

Đi thăm LT, một bạn thơ vừa được Bệnh viện gồm các Tiến sĩ và Giáo sư Y khoa đầu ngành kết luận LT bị ung thư bờ cong nhỏ dạ dày, một khu vực không thể can thiệp bằng phẫu thuật. Đúng lúc LT đi lấy thuốc về, người còn nhễ nhại mồ hôi. Tuy còn mệt nhưng gặp bạn bè tới thăm, LT kể chuyện chính LT về muộn cũng vì sự việc này:
Đi mua thuốc nam để ngăn chặn ung thư phát triển theo chỉ dẫn của các Bác sĩ, trên đường về qua phố Bà Triệu, LT nhặt được một túi xắc của ai đánh rơi giữa đường vào lúc quá 13 giờ trưa, đường phố vắng, hầu như không mấy ai để ý. Vào gốc cây tạm nghỉ hóng mát, LT giở xem chủ nhân của nó là ai thì thấy có một máy điện thoại iPhone 6 với một số giấy tờ và 6 triệu rưỡi tiền mặt cùng 5 chiếc phong bì đã phong bao cẩn thận, hình như là tiền trong đó nhưng LT vẫn giữ nguyên.
Đang lúc khó khăn lại bệnh tình nan giải, chỉ với số tiền nhìn thấy và chiếc điện thoại thôi cũng là một tài sản đỡ được cho mình khá nhiều việc. Nhưng ý nghĩ ấy chỉ thoáng qua, bởi nếu có ý định chiếm hưởng thì nhất định với lòng tham và tính tò mò thì hẳn ai cũng bóc ngay xem bên trong mấy cái phong bì kia là những gì. Nhưng không, LT vẫn rất bình tĩnh.
Bỗng chuông chiếc điện thoại iPhone vang lên và mặt máy là dòng chữ “Anh yêu”. Quá phân vân, không hiểu cuộc gọi này là thế nào nên chưa biết nên trả lời hay không. Máy gọi lần thứ hai rồi lần thứ ba và LT đã thưa máy. Đầu dây bên kia là một giọng đàn ông còn trẻ: “Cô, Bác hay chị có nhặt được chiếc túi và máy điện thoại của cháu không? Hai vợ chồng cháu đang đi tìm”. Tiếp đó là một giọng phụ nữ nói là vợ và là chủ nhân của chiếc túi đánh rơi mà LT nhận được.
Vấn đề đã rõ ràng, sự lo lắng rồi tiếp đó là niềm vui của đôi vợ chồng trẻ khi bắt liên lạc được với LT. Thay vì dự định đến cơ quan công an trình báo thì LT đã cho họ điểm hẹn và phải chờ quá nửa tiếng đồng hồ trong trưa nắng thành phố để trả lại cho đôi vợ chồng nọ.
Họ mừng quýnh và nói là đang đi xin chuyển việc. Trên đường đi thì đánh rơi và tìm khắp không sao thấy. May quá, nhờ cô nhặt được, họ mừng rỡ xin lại và xem kỹ... thấy tất cả đều còn nguyên vẹn rồi chào và ra đi (!).
Nghe câu chuyện tôi càng thấy yêu quý và cảm động, thương LT khôn xiết. Một tấm lòng luôn sáng như vầng trăng thu, dù cho giữa bao khó khăn và bệnh tình, tấm lòng đó không bao giờ có thể lu mờ được. Bởi các bạn cũng đoán ra rằng trong những chiếc phong bì xin việc kia không phải là tiền Việt Nam mà chắc đến 90% là những đồng ngoại tệ mạnh. Nếu vào tay người khác thì kết cục chắc sẽ khác nhiều... Và đôi vợ chồng kia chỉ có  biết... khóc mếu, dằn vặt nhau và ... than thân trách phận mà thôi (!?).

Tiếc thay có khi họ không nghĩ thấu điều đó và họ hoàn toàn không hề biết rằng người mà họ mang ơn đang mang trong mình một căn bệnh hiểm nghèo mà họ không biết bỏ ra vài trăm ngàn biếu lại LT uống nước giữa trưa hè phải nán chờ họ hoặc biếu LT mua quà cho cháu. Tuy tôi biết chắc chắn rằng chả bao giờ LT nhận đâu. Nhưng đó là nghĩa cử tối thiểu mà người hàm ơn phải biết thể hiện!

                   22-5-2018 





Trong hình ảnh có thể có: Phạm Quốc Khánh, đang đứng, thực vật, cây, hoa, ngoài trời và thiên nhiên

DƯƠNG BÁ THIỆU:
Người đâu lạc chốn bơ vơ
Để em bối rối ngẩn ngơ ven hồ
Thuyền chiều gạt mái sóng xô
Hoàng hôn chiều tím sắc tô má hồng

PHẠM QUỐC KHÁNH: 
Cảm ơn anh tặng mấy dòng
Mà nghe như sóng trong lòng xôn xao
Chỉ mơ chẳng gặp em nào
Chia xa Đà Lạt cồn cào vần thơ...

DƯƠNG BÁ THIỆU:
Rừng thông Than thở đợi chờ
Niềm tin lẩn chút nghi ngờ trong tâm
Người xa uyên bác sánh tầm
Chia tay để nỗi nhớ thầm tương tư

 PHẠM QUỐC KHÁNH:
Tiếng thông reo tựa tiếng ru
Chiều buông nhặt gió tương tư nhủ thầm
Về Thành Nam tưởng đang cầm
Ngờ đâu tuột dải gió băng chốn nào
Chiều nghiêng sương rắc da nhàu
Bói tìm chẳng thấy góc nào tương tư....

 
THÀNH NAM, 12/5/ 2018


Trong hình ảnh có thể có: 1 người
BÁO NHÂN DÂN ĐĂNG BÀI VỀ HAI LIỆT SĨ
LÊ TRỌNG DŨNG VÀ LÊ VIỆT CƯỜNG


Trong hình ảnh có thể có: 1 người
LƯU BÚT CỦA HAI LIỆT SĨ 
LÊ TRỌNG DŨNG, LÊ VIỆT CƯỜNG 
NẰM TRONG CÁC TƯ LIỆU LỊCH SỬ 
CỦA BẢO TÀNG QUÂN SỰ VIỆT NAM

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người và trong nhà
NHÀ THƠ LÊ HÙNG THĂM 
BẢO TÀNG QUÂN SỰ VIỆT NAM 


MUÔN ĐỜI BẤT TỬ*

KÍNH DÂNG CÁC ANH LINH LIỆT SĨ
KÍNH TẶNG NHÀ THƠ LÊ HÙNG

Chiến công xưa đi vào sử sách

Những liệt oanh còn sáng bên đời

Bao tâm hồn sống mãi tuổi đôi mươi

Những giọt lệ in thành thơ muôn thuở

Tổ quốc anh hùng mãi ngàn năm rạng rỡ

Lòng tri ân không phai nhạt bao giờ

Nén hương thơm tưởng nhớ chẳng hề xưa

Các liệt sĩ cùng nước non sống mãi!


THÀNH NAM, 02-5-2018

______________

* Nhân đọc tin và bài của nhà thơ Lê Hùng, Phó Chủ tịch
 CLB Thơ Việt Nam, tôi viết bài thơ này tỏ lòng tri ân các 
anhhùng liệt sĩ, trong đó có các anh Lê Trọng Dũng, 
Lê Việt Cường, hai em trai của nhà thơ Lê Hùng. 
Kính chúc anh Lê Hùng  cùng gia đình bình an mạnh khỏe,
con cháu thành đạt vinh hoa! Cầu anh linh các liệt sĩ Lê
Trọng Dũng, Lê Việt Cường phù độ gia đình mọi sự lành!

Sau đây là tin trên Facebook của anh với nick Hùng Lê:

Ngày 30/4/2018, thăm bảo tàng Lịch sử quân sự VN nơi đang trưng bày những bức thư thời chiến. Rất xúc động vì trong đó có sách in các bức thư của 2 em Lê Trọng Dũng và Lê Việt Cường (được trích in trên báo Nhân Dân số ra ngày 27/8/2006, nhan đề " Giờ này em tôi ở đâu ?" Đến nay gia đình tôi đã tìm được mộ LS Lê Trọng Dũng tại nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 và mộ LS Lê Việt Cường đã được đưa từ nghĩa trang liệt sĩ ĐắkTô-Tân Cảnh về nghĩa trang thành phố Hà Nội. Xin cảm ơn các bạn bè, đồng đội của các em đã giúp tôi có những thông tin quý để thành công trong việc tìm mộ 2 em. Bao nhiêu bạn bè (nhiều người nước ngoài) hôm nay đến thăm bảo tàng ghi lại những cảm nhận xúc động về những chiến công của quân dân ta. Tin rằng các cháu nhỏ và thế hệ mai sau sẽ hiểu sâu về sự hy sinh anh hùng của các thế hệ cha anh đi trước!



 XÓT LÒNG*

Nhân đọc bài của Thiếu tướng -
Anh hùng LLVTND Hoàng Kiền


Ảnh đại diện của Kien Hoang, Trong hình ảnh có thể có: 3 người, mọi người đang đứng và văn bản

     Nước non xây mãi chẳng giàu
Tham ô lãng phí... nát nhàu quốc gia
     Mắt sầu gan ruột xót xa

Mình cần kiệm một, người ta phá... mười...

     Năng suất, hiệu quả ... kệ đời

Nỗi niềm chua chát... biết rồi... bến nao?


THÀNH NAM, 14-4-2017
_______________
*Nhân đọc bài viết của Thiếu tướng Hoàng Kiền trên FB:
TIẾT KIỆM NHƯ CHÚNG TÔI CÓ LẠC HẬU KHÔNG NHỈ

Chuẩn bị kỉ niệm 60 năm ngày truyền thống của Lữ đoàn Công binh 83/ Hải quân, đơn vị gửi ra cuốn sử dự thảo để tham gia ý kiến. Mười sáu năm gắn bó với Hải quân, tám năm gắn bó với Trung đoàn Công binh 83 ( nay là Lữ đoàn ) xây dựng công trình trên quần đảo Trường Sa, biết bao kỉ niệm trào dâng. Tiết kiệm là một việc được quan tâm thực hiện.

Xem trên các phương tiện thông tin, thấy họ tiêu xài tiền tỷ, thất thoát, lãng phí, tham ô hàng trăm tỉ, hàng nghìn tỉ diễn ra ở khắp mọi lĩnh vực, khắp mọi miền mà xót xa. Mình thuộc loại lạc hậu quá.

Xin viết đôi lời về TIẾT KIỆM thời xưa của Trung đoàn Công binh 83/HQ của chúng tôi.

TIẾT KIỆM LÀ BIỆN PHÁP HÀNG ĐẦU
Trung đoàn chúng tôi rất nghèo trong hoàn cảnh cả nước nghèo, tiết kiệm là “Trung đoàn sách”. Tôi đã làm nhà 2 tầng từ 2 bàn tay trắng, chỉ bằng sức lao động của gia đình và thật sự tiết kiệm nên càng thấu hiểu triết lý này. Tôi đã truyền ý thức tiết kiệm cho cán bộ, chiến sỹ trong toàn Trung đoàn, chỉ có tiết kiệm mà xây dựng đơn vị, nâng cao đời sống chứ không đi xin, không chờ đợi ai cho. Xây dựng công trình Trường Sa với khối lượng lớn, là điều kiện, thời cơ tiết kiệm để xây dựng Trung đoàn. Tất cả các loại vật liệu đưa ra xây dựng Trường Sa đều có hệ số hao hụt xây dựng và chuyển tải từ tầu vào đảo, cộng lại khá cao. Tôi bàn trong Chỉ huy, Lãnh đạo cần đưa thành chủ trương, kế hoạch triệt để tiết kiệm, được tập thể thống nhất cao.
Căn cứ vào hồ sơ thiết kế, vật liệu tính toán, tôi trực tiếp kiểm tra, rà soát xác định những chỗ thừa theo theo yêu cầu chịu lực và biện pháp thi công. Sau đó giao cho các kỹ sư bóc tách những vật liệu thừa ra ngay từ khâu tính toán kế hoạch. Vật liệu các loại được tính toán kỹ, thép cắt theo phương pháp tổ hợp triệt để tiết kiệm, không để mẩu thừa. Đá, cát đóng bao, kiểm tra số lượng đưa xuống tầu chặt chẽ. Tất cả các loại vật liệu đều giao cho từng khung nhận tại cảng áp tải theo tầu ra đảo, tỷ lệ hao hụt do Trung đoàn quy định ở mức tối thiểu yêu cầu phải chuyển tải, bảo quản giữ gìn để xây dựng hoàn thành công trình, để rơi vãi phải chịu trách nhiệm trừ vào tiền bồi dưỡng lao động và phụ cấp đi đảo. Phần tiết kiệm vật liệu đưa vào xây dựng doanh trại tại Đà Nẵng. 

Đá, cát, xi măng đưa ra đều phải đóng bao, tôi ra kiểm tra và thấy bộ đội lấy xẻng đâm thủng bao rồi đổ ra, vỏ bao bay trắng cả mọi chỗ, vừa gây ra rác thải ô nhiễm môi trường, vừa lãng phí. Sơ bộ tính nhẩm thấy mỗi cái bao giá 2.000 đồng. Đưa được 20 kg đá, cát tính ra tiền bao nhiều hơn tiền vật liệu, mà bao có thể thu hồi, quay vòng được. Lệnh cho các đảo thu hồi bao chứa vật liệu mang vào bờ 100%, khung nào thiếu sẽ phạt trừ vào tiền bồi dưỡng. Thế là các khung xây dựng tổ chức cho bộ đội tháo dây buộc, đổ vật liệu ra, thu bao đếm xếp buộc lại có biên bản gửi tầu vào bờ, giao nhận đầy đủ. Ban Kỹ thuật tổ chức phân loại; bao lành nhập kho rồi xuất ra đóng tiếp, bao rách giao lại cho các gia đình quân nhân ở khu vực Học viện Hải quân dùng máy khâu vá lại; trong đó có gia đình anh Bình – Cán bộ Học viện Hải quân nhận làm chủ yếu. Với cách làm như vậy, mỗi bao được quay vòng 3 lần, số tiền tiết kiệm nhiều hơn số tiền mua đá, cát đưa ra xây dựng Trường Sa hàng năm. Tiền thu hồi bao Trung đoàn trích ra bồi dưỡng trực tiếp cho các khung 40%, còn lại một phần chuyển vào quỹ Trung đoàn, một phần đưa ra xây dựng doanh trại. Phong trào thu hồi bao, vá bao sôi động cả trong bờ, ngoài đảo góp phần cải thiện đời sống cho cán bộ, chiến sỹ và làm khang trang doanh trại của Trung đoàn cùng với quá trình xây dựng Trường Sa.

Với cách làm cò con ấy cũng góp phần củng cố doanh trại đơn vị. Toàn bộ doanh trại của Trung đoàn tại Đà Nẵng có cả bể bơi chúng tôi tự xây dựng bằng sự tiết kiệm, lao động sản xuất làm kinh tế, trang bị sẵn có, công sức trí tuệ, mồ hôi của bộ đội làm nên, không xin ai cả. Chúng tôi nói với cán bộ chiến sĩ là : Đất nước ta còn nghèo, khó khăn rất nhiều, phải cần kiệm, tự lực tự cường góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tiết kiệm còn cải thiện đời sống cho cán bộ chiến sĩ trong những năm 90 của thế kỉ trước. Củng cố hậu phương để yên tâm làm nhiệm vụ ngoài Trường Sa bão tố.

Các nhà báo đặt cho tôi biệt danh là “ Ông tiết kiệm “.

Bây giờ chắc lạc hậu lắm rồi, họ xài tiền tỷ chứ ai đi nhặt bao như mình, nhìn thấy họ lại bĩu môi..l

Hãy xem bản thống kê nhặt trên mạng sơ sơ, cũng chưa chính xác để thấy ngày nay lãng phí là ....gì nhì?


kienhoang.facebook.com
_______________


VƯỢT CẢ ƯỚC MƠ!

(KỶ NIỆM 43 NĂM, NGÀY ĐẠI TÁ PHI CÔNG TÌNH BÁO

ANH HÙNG LLVTND NGUYỄN THÀNH TRUNG

(TỨC ĐINH KHẮC CHUNG) NÉM BOM DINH ĐỘC LẬP)

Mưu trí xuất thần mang cánh bay của giặc
Dội lửa vào dinh lũy quân thù
Một vòng trời xanh... tròn câu "Mỹ cút"
Trận cuối cùng ... thoảng tiếng hát ru...
Câu chuyện vỡ ra...
khi không còn chiến tuyến
Thấu tầm cao phi đội xuất hành
Trái bom cứu biết bao mạng sống
Kết cục tuyệt vời
một cuộc chiến tranh!
Hai thập kỷ, một nước cờ sẵn đợi
Tài tình bàn tay chí khí con người
Cơn địa chấn chuyển rung thế giới
Vẫn nguyên lành viên ngọc sáng tươi!



Hôm nay là tròn 43 năm, ngày Dinh Độc Lập bị ném bom. 4 quả bom do Trung úy không quân VNCH Nguyễn Thành Trung ném xuống khu vực dinh Độc Lập (nhưng anh chỉ cho nổ 2 quả ngoài sân và 1 quả trong Dinh để tránh thương vong cho cả người bên ta còn cài trong đó. Tác dụng chính là cảnh cáo, khủng bố tinh thần địch) và bắn cháy kho xăng Nhà Bè, làm cho toàn bộ ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn vô cùng sợ hãi. Ngay sau khi hoàn thành vụ ném bom chấn động thế giới ấy, anh đã “phản chiến” trở ra vùng giải phóng đi theo cách mạng.

Thực ra, Nguyễn Thành Trung đã là đảng viên Đảng Lao động Việt Nam từ 31-5-1968, được cách mạng cài vào quân đội ngụy từ 1965 và trở thành phi công của không lực VNCH. Song, việc này đã được chuẩn bị từ khi anh còn là cậu học sinh tiểu học Đinh Khắc Chung.

Trong suy nghĩ chung của mỗi chúng ta, việc ngụy quyền Sài Gòn gần như tê liệt, khi Quân Giải Phóng tiến công đánh chiếm Sài Gòn, dinh lũy cuối cùng của chính quyền ngụy không gặp sự kháng cự đáng kể nào. Và đã coi đó như một lẽ thông thường (?).

Trên thực tế, không hoàn toàn như vậy. Mỹ chưa hoàn toàn buông hẳn Nam Việt Nam kể từ sau Hiệp định Pa ri. Bằng chứng là vẫn còn 3.000 sĩ quan cao cấp và cố vấn quân sự Mỹ nằm lại Sài Gòn, chủ yếu ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất đến tận cuối tháng 4-1975 và lời kêu gọi của TT ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu, Trần Văn Hương đều là “tử thủ Sài Gòn” vẫn luôn là sức phản kháng rất quyết liệt. Chiến sự ác liệt kéo dài tại Long Thành, Xuân Lộc... và nhiều nơi khác đã chứng tỏ điều đó!

Sau ngày Việt Nam toàn thắng 30-4-1975, hãng thông tấn Mỹ CNN tìm gặp trao đổi và phỏng vấn Đại tá tình báo phi công, Anh hùng LLVTND Việt Nam Nguyễn Thành Trung – người lái máy bay F5E từ sân bay Biên Hòa “phản chiến” ném bom Dinh Độc Lập và trở ra vùng giải phóng Phước Long ngày 8-4-1975.

Ngày 16-4-1975, ta giải phóng Phan Rang và chiếm sân bay Phan Rang, Đại úy không quân Quân Giải Phóng Nguyễn Thành Trung được điều động ra Phan Rang tổ chức một phi đội huấn luyện sử dụng máy bay chiến lợi phẩm tại đây. Chỉ trong không đầy 5 ngày huấn luyện, anh cùng phi đội đã nhận nhiệm vụ dùng máy bay địch đánh địch. (Tốc độ huấn luyện phi thường này làm cho giới quân sự Mỹ hết sức kinh hoàng, không thể nào hình dung nổi).

Ngày 28-4-1975, anh làm phi đội trưởng đưa phi đội A37 từ sân bay Phan Rang vào ném bom sân bay Tân Sơn Nhất, tạo ra sự khiếp đảm tột cùng cho Mỹ - ngụy.

Cả thế giới đều thừa nhận: Không lực Mỹ là lực lượng không quân đứng đầu thế giới, nhưng quân và dân Việt Nam vẫn quyết chiến, quyết thắng, không hề run sợ. Cuối cùng, kẻ run sợ sức mạnh ấy lại chính là đế quốc Mỹ.

Theo thừa nhận của CNN: Sau ngày 28-4-1975, khi bị phi đội A37 của Đại úy Nguyễn Thành Trung ném bom sân bay Tân Sơn Nhất, các tướng Mỹ ở Washington và các cố vấn quân sự Mỹ ở Sài Gòn vô cùng hoang mang lo sợ. Sau vụ bị ném bom ấy, Washington lập tức ra lệnh rút 3.000 cố vấn quân sự Mỹ cấp tốc rời khỏi Sài Gòn, bỏ mặc hoàn toàn Nam Việt Nam cho VNCH. Lệnh đó tạo ra một cuộc chạy trốn hỗn loạn chưa từng có. Và đấy là lý do làm cho ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn mất hết tinh thần chiến đấu, tan rã cả trước khi tổng thống ngụy Dương Văn Minh đọc bản tuyên bố đầu hàng. Ngày 30-4-1975 không có chiến sự dữ dội ở nội thành Sài Gòn. Sự bất thường đó đã tránh được vô vàn thương vong, đổ nát. Thành phố Sài Gòn về tay Quân Giải Phóng hầu như nguyên vẹn.

Một điều vượt cả mọi suy đoán của các chiến sĩ giải phóng và quân dân cả nước!

Kế hoạch cài Nguyễn Thành Trung vào không quân địch được tính toán từ rất sớm, quả là nước cờ tài tình trong công tác cách mạng của chúng ta, đạt đến hiệu quả phi thường mang tầm chiến lược!



THÀNH NAM, 8-4-2018

PHẠM QUỐC KHÁNH 


___________


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Bản quyền bởi: Nhà thơ Phạm Quốc Khánh - Địa chỉ: Liêm Hải, Trực Ninh, Nam Định - Điện thoại: 0913367019 - Bảo trợ bởi: Thi đàn Việt Nam.